Phương pháp giáo dục STEM được biết đến là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể. Các hoạt động giáo dục STEM thường được tổ chức dựa trên quy trình nghiên cứu khoa học, hoặc quy trình thiết kế kĩ thuật, từ đó định hướng cho học sinh tìm tòi khám phá, trải nghiệm và thực hành, chế tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng.
Trong chương trình GDPT 2018, giáo dục Khoa học là một thành tố quan trọng và thường được lựa chọn làm thành tố chủ đạo khi xây dựng các chủ đề STEM. Ở cấp tiểu học, giáo dục khoa học tiếp cận một cách đơn giản một số sự vật, hiện tượng phổ biến trong cuộc sống hằng ngày, giúp học sinh có các nhận thức bước đầu về thế giới tự nhiên, cụ thể:
- Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, lớp 2 và lớp 3) tập trung vào ba mạch nội dung: Thực vật và động vật, Con người và sức khoẻ, Trái Đất và bầu trời.
- Khoa học (lớp 4 và lớp 5) có các mạch nội dung như Chất, Năng lượng, Thực vật và động vật, Nấm - Vi khuẩn, Con người và sức khoẻ, Sinh vật và môi trường.
Môn Tự nhiên và Xã hội, môn Khoa học ở cấp tiểu học cung cấp các kiến thức khoa học có tính nguyên lí, làm cơ sở cho quy trình ứng dụng khoa học vào thực tiễn. Bên cạnh đó, còn có sự tương đồng về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học giữa dạy học khoa học và giáo dục STEM, đó là chú trọng vào tìm tòi, khám phá, hoạt động, thực hành, trải nghiệm để phát huy tối đa thành phần năng lực tìm hiểu tự nhiên và vận dụng kiến thức kĩ năng đã học. Đó là điểm thuận lợi để giáo viên có thể tổ chức các hoạt động giáo dục STEM khi dạy TNXH và Khoa học. Ngược lại, việc vận dụng phương pháp giáo dục STEM đem lại hiệu quả cao trong dạy học môn TNXH và Khoa học khi học sinh được thu hút vào nhiệm vụ tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng để giải quyết các vấn đề cụ thể trong thực tiễn.
Năm học 2023-2024 là năm học đầu tiên Bộ GD&ĐT triển khai việc vận dụng phương pháp giáo dục STEM ở cấp Tiểu học đối với tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Việc vận dụng phương pháp này không chỉ dừng lại ở các hoạt động trải nghiệm, mà chính thức đưa vào chương trình nhà trường, sử dụng thay thế các bài học thông thường trong SGK theo chương trình GDPT 2018. Nắm bắt được tinh thần đó, từ đầu năm học, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch triển khai giáo dục STEM mà cụ thể là lựa chọn được 1 số chủ đề STEM đưa vào kế hoạch các môn học và HĐGD.
- Học sinh lớp 4A1 trường tiểu học Hưng Đạo.