Chiều ngày 19/10/2023, trường TH Hòa Nghĩa thực hiện Chuyên đề cấp Quận với chủ đề: Nghiên cứu, xây dựng chương trình môn Tiếng Anh lớp 4 theo Chương trình GDPT 2018; tổ chức dạy học hoạt động 3, 4, 5 Lesson 3 theo sách Tiếng Anh 4, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.
Theo Chương trình GDPT 2018, Ngoại ngữ 1 – Tiếng Anh là môn học bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3 trở lên. Yêu cầu cần đạt đối với môn Tiếng Anh cấp Tiểu học là:
- Sau khi học xong môn Tiếng Anh cấp tiểu học, học sinh có thể đạt được trình độ tiếng Anh Bậc 1 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Cụ thể là: “Có thể hiểu, sử dụng các cấu trúc quen thuộc thường nhật; các từ ngữ cơ bản đáp ứng nhu cầu giao tiếp cụ thể. Có thể tự giới thiệu bản thân và người khác; có thể trả lời những thông tin về bản thân như nơi sinh sống, người thân/bạn bè, …Có thể giao tiếp đơn giản nếu người đối thoại nói chậm, rõ ràng và sẵn sàng hợp tác giúp đỡ”.
- Thông qua môn Tiếng Anh, học sinh có những hiểu biết ban đầu về đất nước, con người và nền văn hoá của một số nước nói tiếng Anh và của các quốc gia khác trên thế giới; có thái độ tích cực đối với việc học tiếng Anh; biết tự hào, yêu quý và trân trọng ngôn ngữ và nền văn hoá của dân tộc mình; phát triển các phẩm chất như yêu thương, tôn trọng bản thân, bạn bè, gia đình, môi trường, chăm chỉ và trung thực.
Năm học 2023-2024 là năm học thứ tư triển khai Chương trình GDPT 2018 với các môn học, nhưng là năm thứ 2 thực hiện Chương trình mới với môn Tiếng Anh. So với chương trình cũ, vị trí, tầm quan trọng của môn Tiếng Anh được nâng cao một cách rõ ràng; đồng thời yêu cầu đặt ra đối với việc giảng dạy Tiếng Anh cũng ngày càng cao hơn. Nhận thức rõ điều đó, BGH nhà trường đã dành rất nhiều sự quan tâm đến công tác chỉ đạo thực hiện chương trình môn Tiếng Anh theo Chương trình GDPT 2018.
1. Nghiên cứu, xây dựng, thực hiện chương trình môn học môn Tiếng Anh lớp 4
Ngay từ tháng 8, sau khi nghiên cứu chương trình và được tập huấn sử dụng SGK mới, BGH nhà trường đã chỉ đạo, hướng dẫn tổ Tiếng Anh tổ chức sinh hoạt chuyên môn để thống nhất, xây dựng kế hoạch môn học môn Tiếng Anh lớp 4.
Chương trình Tiếng Anh lớp 4 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống xoay quanh 4 chủ điểm giao tiếp gần gũi với học sinh: Me and my friends; Me and my school; Me and my family; Me and the world around. Mỗi chủ điểm gồm 5 đơn vị bài học. Mỗi bài học gồm 3 lesson. Các lesson có cấu trúc tương tự nhau, tập trung vào các kĩ năng giao tiếp (nghe, nói. đọc, viết) và kiến thức ngôn ngữ cơ bản (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp).
Sau 5 đơn vị bài học là 1 bài ôn tập, củng cố, mở rộng kiến thức đã học.
Với thời lượng 140 tiết/năm học, tương ứng 4 tiết/tuần, tổ chuyên môn đã xây dựng cụ thể kế hoạch môn học đối với từng tuần. Trung bình mỗi đơn vị bài học dạy trong 6 tiết, mỗi lesson dạy 2 tiết. Kế hoạch môn học được BGH nhà trường duyệt thông qua trước khi đưa vào triển khai thực hiện.
Như vậy, so với những năm học trước, thời lượng dành cho các bài học đã tăng gấp rưỡi, gấp đôi. Đó chính là điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh. Nhưng dạy như thế nào để học sinh thực sự được phát triển năng lực, phẩm chất, và đạt được yêu cầu cần đạt của Chương trình cũng là điều các nhà trường trăn trở.
Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, sau khi xây dựng chương trình nhà trường, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo giáo viên tổ Tiếng Anh khi thực hiện chương trình cần chú ý những vấn đề sau:
- Xác định rõ yêu cầu cần đạt của chương trình và của từng bài học, tiết học. Tập trung dạy đầy đủ các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, và kiến thức ngôn ngữ cơ bản.
- Khi thiết kế bài học cần phân phối thời gian dành cho từng hoạt động sao cho phù hợp, cân đối. Cần dành nhiều thời gian để học sinh được luyện phản xạ, rèn kĩ năng ngôn ngữ. Trong điều kiện cho phép, giáo viên có thể thiết kế thêm các hoạt động tăng cường, bổ trợ cho học sinh ngay trên lớp.
- Quan tâm đến tất cả các đối tượng học sinh, học sinh nào cũng phải được tham gia các hoạt động, được tương tác đa chiều. Chú ý tư vấn, giúp đỡ các đối tượng học sinh yếu, kém.
- Tổ chức các hoạt động học tập đa dạng, phong phú, qua đó giúp phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất cho học sinh.
- Sử dụng có hiệu quả thiết bị, đồ dùng dạy học. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng giảng dạy.
- Đánh giá học sinh thông qua hành vi, thái độ, mức độ tham gia các hoạt động học; đánh giá sự tiến bộ của học sinh trong quá trình rèn luyện các kĩ năng và vận dụng kiến thức, kĩ năng tạo ra các sản phẩm học tập.
Ngoài việc xây dựng kế hoạch và thực hiện chương trình môn học trong thời gian chính khóa, tổ Tiếng Anh cũng chủ động đề xuất, xây dựng một số hoạt động ngoại khóa khác như Dự án học tập, Cuộc thi Thuyết trình Tiếng Anh, Giao lưu Festival Tiếng Anh dưới hình thức sân khấu hóa để phát triển môi trường ngoại ngữ, thúc đẩy phong trào thi đua học tập trong nhà trường. Những hoạt động ngoại khóa này cũng phải được xây dựng đưa vào chương trình nhà trường từ đầu năm học để nhà trường có kế hoạch tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao.
2. Thực hiện dạy hoạt động 4, 5, 6 Lesson 3 sách Tiếng Anh lớp 4 Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.
Trong 3 lesson của 1 đơn vị bài học, lesson 1 và 2 tập trung giới thiệu kiến thức về từ vựng, mẫu câu. Lesson 3 cung cấp kiến thức về ngữ âm, và các hoạt động củng cố kiến thức, kĩ năng của cả bài học. Đặc biệt ở tiết học cuối, học sinh sẽ được luyện tập, vận dụng kiến thức tổng hợp đã học của cả bài thông qua việc thực hiện 3 hoạt động: Read, Write và Project.
- Tổ chức dạy hoạt động đọc hiểu:
Hoạt động đọc ở lesson 3 khác hẳn hoạt động đọc ở lesson 1 và 2. Nếu ở lesson 1 và 2, hoạt động đọc là hoạt động tiếp sau của hoạt động viết, tức là điền từ để hoàn thành câu rồi đọc lại câu đã hoàn chỉnh. Thì hoạt động đọc ở lesson 3 là hoạt động đọc hiểu 1 số văn bản có độ dài khoảng 50 chữ. Yêu cầu đọc ở lesson 3 ở mức độ cao hơn, đòi hỏi học sinh phải nắm được kiến thức cơ bản về ngôn ngữ, hiểu được chủ đề, ngữ cảnh, cấu trúc cũng như các chi tiết của bài đọc. Hình thức của các bài đọc được thiết kế đa dạng như đoạn văn, bức thư, email, bảng biểu, thông báo…Các nhiệm vụ cần hoàn thành ở đây thường ở các dạng sau:
- Đọc và chọn Đúng/sai
- Đọc và hoàn thành câu
- Đọc và nối
- Đọc và chọn đáp án trả lời đúng
Để dạy tốt hoạt động đọc hiểu, giáo viên phải hướng dẫn được cho học sinh kĩ năng tìm kiếm thông tin trong văn bản (skimming, scanning). Ngoài việc dựa vào nội dung, giáo viên cũng cần lưu ý học sinh những đặc điểm về cấu trúc của một số loại văn bản để học sinh có thể dựa vào đó để tìm thông tin nhanh, chính xác.
- Tổ chức dạy hoạt động viết:
Hoạt động viết ở lesson 3 cũng ở mức độ cao hơn hoạt động viết ở lesson 1, 2. Trong lesson 3, hoạt động viết thường có dạng hoàn thành các câu trong 1 đoạn văn hoàn chỉnh. Do đó, học sinh cũng phải huy động toàn bộ kiến thức đã học mới có thể viết đảm bảo nội dung và ngữ pháp.
Trong lúc học sinh thực hiện nhiệm vụ viết, giáo viên cần bao quát tất cả các đối tượng học sinh, giúp đỡ, tư vấn kịp thời với những học sinh gặp khó khăn. Cần lưu ý học sinh các lỗi thường gặp như lỗi chính tả, chọn từ, thiếu từ, lỗi ngữ pháp.
- Tổ chức dự án học tập.
Ở sách Tiếng Anh 4, lesson 3 của bài học nào cũng có một dự án học tập. Điều đó chứng tỏ các tác giả bộ sách và các chuyên gia giáo dục rất đề cao phương pháp dạy học dự án, coi đây là một phương pháp có hiệu quả tích cực trong việc phát huy năng lực, phẩm chất học sinh.
Phương pháp dạy học dự án (Project-based learning) là phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, hướng học sinh đến việc huy động kiến thức, kĩ năng tổng hợp của môn học thông qua việc tham gia thực hiện một dự án cụ thể để giải quyết vấn đề thực tiễn.
Việc tổ chức dạy học sử dụng phương pháp dạy học dự án có những thuận lợi và khó khăn sau:
- Thuận lợi: Học sinh rất hứng thú tham gia vì nhiệm vụ của dự án thu hút học sinh vào việc tạo ra một sản phẩm cụ thể như bài thuyết trình, kế hoạch hoạt động, video, sơ đồ tư duy, sản phẩm mĩ thuật…Thông qua hoạt động làm dự án, học sinh được củng cố kiến thức, phát huy toàn diện các kĩ năng, năng lực, phẩm chất.
- Khó khăn: Một số dự án ở quy mô lớn đòi hỏi sự chuẩn bị công phu, tốn kém và khó bố trí về mặt thời gian.
Theo nghiên cứu của tổ chuyên môn, hầu hết các dự án được đưa vào sách giáo khoa Tiếng Anh 4 bộ KNTTVCS là các dự án quy mô nhỏ, yêu cầu đơn giản, phù hợp với năng lực và điều kiện của học sinh. Có những dự án cá nhân, có những dự án cần sự tham gia của cả nhóm; có những dự án có thể thực hiện ngay trên lớp, cũng có những dự án cần thời gian chuẩn bị ngoài giờ học. Tuy nhiên, các dự án đều có tính khả thi và có tác dụng giúp học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề thực tiễn, đảm bảo yêu cầu cần đạt của chương trình.
Dạy học qua dự án là một phương pháp dạy học có nhiều tính ưu việt. Nhưng đó cũng là phương pháp mới nên nhiều giáo viên còn nhiều bỡ ngỡ trong quá trình vận dụng. Qua thời gian triển khai thực hiện đến nay, nhà trường xin chia sẻ một số điểm cần lưu ý khi tổ chức dạy học dự án, cụ thể như sau:
- Lựa chọn, điều chỉnh yêu cầu của dự án phù hợp đối tượng học sinh.
Với tinh thần thực hiện một Chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, giáo viên có thể chủ động trong việc lựa chọn, điều chỉnh yêu cầu của dự án cho phù hợp với trình độ nhận thức, năng lực, điều kiện thực tế của học sinh.
- Phân bổ thời gian phù hợp để tổ chức các hoạt động dạy học dự án trong và ngoài chương trình SGK.
Với các dự án được gợi ý sẵn trong sách giáo khoa, thời lượng dành cho hoạt động này khoảng 15 phút. Tuy nhiên, nếu giáo viên tổ chức thêm các hoạt động củng cố, mở rộng, có thể dùng thêm thời lượng của tiết bổ sung để khai thác triệt để hiệu quả của phương pháp này
Với các dự án ngoài gợi ý sách giáo khoa do tổ chuyên môn xây dựng, các dự án quy mô lớn như cuộc thi, giao lưu Tiếng Anh, nhà trường sẽ chỉ đạo bộ phận chuyên môn phối hợp với các bộ phận khác để tổ chức như các hoạt động ngoài giờ chính khoá.
- Thực hiện tiến trình các bước của dự án.
Bước 1: Bước chuẩn bị. Việc tổ chức dạy học dự án có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào công tác chuẩn bị.
Hoạt động của giáo viên
– Xây dựng ý tưởng buổi học, chọn chủ đề, xây dựng nhiệm vụ học tập.
– Chuẩn bị các dụng cụ, tài liệu để thực hiện dự án
– Chia nhóm, giao nhiệm vụ cho học sinh, gợi ý cách thức tiến hành để giải quyết được vấn đề.
Hoạt động của các học sinh
– Học sinh phải cùng giáo viên thống nhất các tiêu chí để đánh giá.
– Học sinh lựa chọn cách thức thực hiện dự án
– Dự kiến các vật liệu, phương pháp hay kinh phí thực hiện công việc.
Bước 2: Thực hiện dự án
Hoạt động của các giáo viên
– Hướng dẫn và luôn theo sát việc thực hiện của các học sinh, đánh giá kết quả thực hiện.
– Chuẩn bị các điều kiện, vật dụng cho các em thực hiện dự án.
Hoạt động của học sinh
– Các trưởng nhóm có nhiệm vụ phân công công việc cho các thành viên để hoàn thành dự án
– Thu thập và xử lý các thông tin nhằm đem lại kết quả.
– Tìm nguồn thông tin, nhờ giúp đỡ từ giáo viên
– Lập báo cáo và hoàn thiện sản phẩm báo cáo.
Bước 3: Kết thúc dự án
Học sinh cần tiến hành giới thiệu, thuyết trình cho sản phẩm của mình, đánh giá các sản phẩm của các nhóm khác.
Giáo viên đánh giá sản phẩm học tập, đánh giá hoạt động của các nhóm.
Trong quá trình tiến hành các bước, giáo viên cần định hướng, tư vấn và hỗ trợ học sinh kịp thời, đảm bảo học sinh nào cũng được tham gia các hoạt động.
Những nội dung chỉ đạo và biện pháp thực hiện chương trình môn Tiếng Anh lớp 4 nêu trên đã được thực nghiệm tại trường Tiểu học Hòa Nghĩa và đã thể hiện được hiệu quả trong việc nâng cao hiệu quả giảng dạy môn học. Trong thời gian tiếp theo, nhà trường sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá để có những điều chỉnh kịp thời và đưa ra những bài học kinh nghiệm để áp dụng cho những năm học tiếp theo.