Duy trì thói quen học tập vào dịp Tết là điều cần thiết, nhưng không đồng nghĩa với việc học sinh phải ngồi vào bàn làm bài tập mới gọi là học.
Trong dịp nghỉ Tết dài ngày, một số trường học quyết định không giao bài tập cho học sinh, tạo cơ hội để các em tận hưởng trọn vẹn thời gian nghỉ ngơi, đoàn tụ cùng gia đình. Tuy nhiên, việc duy trì thói quen học tập trong kỳ nghỉ vẫn rất quan trọng, không chỉ giúp các em không bị gián đoạn trong quá trình học mà còn đảm bảo sự chuẩn bị tốt cho học kỳ 2. Vậy các nhà trường có những cách thức nào để "giữ nhịp" học tập cho học sinh, giúp các em vừa nghỉ ngơi nhưng vẫn không bỏ quên kiến thức?
Thay thế bài tập Tết bằng dự án học tập và hoạt động trải nghiệm
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Olympia bày tỏ: “Quan điểm của nhà trường là tôn trọng khoảng thời gian để con được học với bố mẹ và được học thông qua trải nghiệm. Chính vì vậy, những nhiệm vụ học tập được giao trong dịp Tết gắn liền với hoạt động đón Tết của các gia đình, như trang trí nhà cửa, chuẩn bị mâm cỗ, đi chợ Tết”.
Cô nhấn mạnh rằng những nhiệm vụ học tập này không chỉ giúp các em hiểu rõ hơn về những phong tục tập quán của dân tộc mà còn giúp các em nuôi dưỡng lòng yêu nước, yêu quê hương. Điều này cũng là một hình thức học tập đặc biệt, không phải lúc nào cũng phải qua sách vở mà có thể thông qua những trải nghiệm trực tiếp trong đời sống.
Học sinh sẽ được yêu cầu thực hiện các bài chia sẻ cảm nhận về những hoạt động mà các em đã tham gia cùng gia đình trong dịp Tết. Các em cũng sẽ được khuyến khích kể lại những câu chuyện hoặc truyền thống gia đình mà các em cho là đặc biệt, cùng với đó là chia sẻ về kế hoạch sử dụng tiền mừng tuổi sao cho hợp lý và có ý nghĩa.
Học sinh trải nghiệm hoạt động đón Tết với sự hướng dẫn của giáo viên và đồng hành của cha mẹ. Ảnh: NTCC.
Trần Trang